Đời người có mấy lần xây nhà, nên mỗi căn nhà là cả một sự trăn trở đầy lo toan cân đếm của người chủ. Xây nhà không chỉ là xoay xở đủ tiền bạc cho nó, mà còn phải chọn được một nơi xứng đáng trao thân gửi phận căn nhà cho họ. Đó là lý do tại sao… chúng ta cần biết cách chọn thầu xây dựng nhà ở gia đình uy tín.
Để trong vòng 3 tháng nửa năm xây nhà, gia chủ an tâm tin tưởng phần lớn. Sau khi vào ở vài năm kế tới không còn nỗi lo lắng và bực bội khi nhà có sự cố.
Năm rõ 5 vấn đề sau, gia chủ dù là lần đầu xây nhà cũng nhất định chọn được một nhà thầu xây dựng nhà ở gia đình tốt cho mình.
1. Tham quan nhà càng nhiều càng tốt
Đây là công tác chuẩn bị kinh nghiệm, kiến thức xây dựng nhà ở rất cần thiết cho bất kỳ gia chủ nào. Đặc biệt, tham quan nhà người thân, bạn bè đã xây dựng còn là cơ hội để bạn mắt thấy tai nghe kỹ càng công trình thực tế. Từ đó dễ dàng hình dung một ngôi nhà sẽ như nào qua từng giai đoạn.
Hơn nữa, người chuẩn bị xây nhà còn có thể hỏi thêm về nhà thầu xây dựng nhà ở gia đình đã làm nhà này. Nhân cơ hội này, người chuẩn bị làm nhà nên hỏi han cho kỹ lưỡng về nhà thầu đó:
- Kinh nghiệm xây dựng loại nhà nào, khả năng tốt nhất của chủ thầu đó
- Tiến độ xây dựng thực tế
- Thái độ có lắng nghe ý kiến gia chủ
- Đội thợ có tay nghề cao và trách nhiệm không
- Quá trình thực hiện có làm đúng như hợp đồng
- Có phát sinh chi phí ngoài ý muốn hay không?
- Quan trọng nhất là gia chủ có hài lòng không?
2. Tìm kiếm thêm những nhà thầu tại địa phương trên internet
Không nên bỏ qua các nhà thầu xây dựng nhà ở gia đình có xuất hiện trên kênh online. Các gia chủ có thể tìm kiếm thêm trong các group xây dựng nhà đẹp, google tìm nhà thầu tại địa phương.
Trong lúc chọn lọc nhà thầu, gia chủ dùng internet có thể dễ dàng tìm kiếm thêm rất nhiều thông tin bổ ích về nhà thầu xây dựng nhà ở gia đình uy tín như:
- Tìm thông tin về tên công ty, địa chỉ, mã số thuế…
- Xem thêm các công trình xây dựng của đội thầu thợ trên website chính của họ
- Thử hỏi trong các group xem đội thầu đó có uy tín không?
- Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà ở bạn đang cần
- Các hình ảnh và video công trinh thực tế
- Chất lượng máy móc và trình độ nhân công
3. Đưa ra một danh sách nhà thầu để liên hệ
Các đội thầu ở địa phương không quá nhiều nhưng phải tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi đưa ra lựa chọn. Lúc này, gia chủ nên lọc ra khoảng 3-5 đơn vị xây dựng uy tín trong khu vực để gặp gỡ, trao đổi sâu hơn để dễ dàng so sánh các nhà thầu xây dựng nhà ở gia đình.
Người chuẩn bị xây nhà nên hiểu 3 khái niệm nhà thầu dưới đây:
- Nhà thầu kiểu chìa khóa trao tay nghĩa là nhà thầu sẽ bao trọn gói theo thiết kế, mọi việc giao hết cho chủ thầu. Chủ nhà sau một khoản thời gian chỉ đến nhận chìa khóa và vào ở.
- Nhà thầu kiểu giao phần thô: xu hướng xây dựng hiện nay tại thành phố, hạng mục hoàn thiện trang trí nội thất thì gia chủ tự lo
- Nhà thầu kiểu khoán giao nhân công:, thường phổ biến ở nông thôn, thầu chỉ đưa thợ đến xây gia chủ mua vật tư và giám sát thi công.
Trước khi liên hệ với nhà thầu, gia chủ nên chuẩn bị sẵn bản vẽ xây dựng, hoặc ít nhất là bản phác thảo, kinh phí hiện có, nhu cầu mong muốn thực tế. Để khi nói chuyện và gặp gỡ nhà thầu, họ có cái nhìn rõ nét về gia chủ hơn.
4. Tham quan nhà chủ thầu đang thi công
Sau bước nói chuyện với nhà thầu xây dựng nhà ở gia đình, chủ nhà chắc chắn sẽ chọn được vài ba nhà thầu có vẻ sẽ thích hợp hơn. Nhưng đừng vội chốt ở bước nói chuyện nếu gia chủ chưa trực tiếp đi tham quan các công trình đang xây dựng của chủ thầu.
Trên công trình đang xây dựng, chủ thầu uy tín hay kinh nghiệm có tâm đều thể hiện rõ ràng thực tế nhất. Gia chủ hãy đi cùng một người có kinh nghiệm và chú ý quan sát kỹ:
- Đội thợ: số lượng, nhanh nhẹn, tay nghề có bài bản nhanh nhẹn không => ảnh hưởng đến tiến độ nhà
- Người chỉ huy: có kinh nghiệm, bằng cấp và khả năng điều phối các hạng mục tại công trình => ảnh hưởng sự nhịp nhàng của các đội thợ, chất lượng chung của cả công trình
- Thiết bị: có đầy đủ và loại mới hay không => biện pháp thi công hiện đại, hiệu quả sẽ rút ngắn thời gian và đảm bảo chất lượng lâu dài cho căn nhà.
- Đồ bảo hộ, trang phục: có đầy đủ và đảm bảo an toàn cho nhân công xây dựng
- Toàn bộ công trình: dù là công trình đang thi công nhưng hiện trạng cần sự gọn gàng và sạch sẽ nhất định. Xi măng cần để chỗ khô thoáng, bề mặt công trình có những đoạn kéo dây điện có an toàn không? Có hành lang che chắn bảo vệ không…
Chú ý: đừng chỉ đi xem các hạng mục dễ dàng nhìn thấy. Muốn nhìn thấy thật sự cái tâm của người thầu, gia chủ nên yêu cầu được đi xem những chỗ ít người muốn xem.
Ví dụ như mặt gạch trên của mái nhà là nơi nhiều thợ bỏ qua không sơn chống thấm nhưng là nơi tiếp xúc rất nhiều với mưa. Ở nhà mới vài năm ngấm vào rồi gia chủ mới biết.
Nếu có thể gặp được chủ nhà đang xây đó là cơ hội tốt, bạn có thể hỏi han về trải nghiệm xây nhà với chủ thầu này để hiểu rõ hơn.
5. Giai đoạn bàn bạc về giá cả và thương lượng
6 tư duy giúp cho việc thương lượng hợp đồng với chủ thầu không bị hớ giá và nhà chất lượng.
Thuận mua vừa bán để có được nhà tốt cho bản thân: nhà không nên quá đắt hoặc quá rẻ so với mặt bằng giá chung của thị trường. Giá một căn nhà rẻ hơn mức trung bình với thị trường thì làm sao thầu nuôi quân, có lời được. Gia chủ không chạy theo giá rẻ là không tạo điều kiện để thầu ăn gian, rút ruột, hoặc mua vật liệu dỏm…
Pháp lý của nhà thầu đúng đắn, danh hiệu uy tín: đảm bảo không bán công trình cho đơn vị thầu khác, nên xem xét kỹ ở mục thầu phụ. Gia chủ cần hiểu rõ phạm vi công việc và mức độ chịu trách nhiệm của các thầu phụ. Nếu được cố gắng tìm hiểu thêm các thông tin về thầu phụ để đảm bảo lựa chọn.
Nhà thầu có cam kết bảo hành và chế độ bảo hành nhà: Một số hạng mục nhà sẽ lộ rõ khuyết điểm theo thời gian rõ nét như chống thấm, màu sơn, dột mái, rò rỉ đường nước, chống hôi, … Nếu là người ít kinh nghiệm xây nhà, không biết cách nghiệm thu kỹ càng, ít giám sát công trình thì điều mục này cực kỳ quan trọng.
Cam kết bảo đảm chi phí vật liệu xây dựng, chi phí nhân công, máy móc không được tăng quá dự toán công trình: Điều này cực kỳ quan trọng mà có thể nhiều người bỏ qua, trong thời buổi giá cả leo thang từng ngày không báo trước thì lại càng chú trọng hơn.
Hợp đồng thầu nhà luôn kèm theo bảng dự toán công trình chi tiết minh bạch nhất: Nếu thuộc dạng thầu trọn gói, tốt nhất gia chủ nên yêu cầu một bảng dự toán đầy đủ chi tiết và ký hợp đồng dựa trên đơn giá trên dự toán.
Nếu có gì thay đổi thì nên là phương án thi công hoặc vật liệu thay đổi: để lợi ích về tiền và phải chấp nhận mặt trái của phương án đưa ra từ lúc hai bên thương lượng với nhau. Ví dụ nếu xây mái ngói hoặc đổ mái bê tông rất tốn kém, gia chủ có thể làm nhà mái tôn để tiết kiệm hơn. Nếu dùng gạch đá để lát nhà quá đắt thì mình hạ xuống dùng gạch ceramic cho kinh tế.
Phương án bảo hành công trình đi đôi với tiến độ thanh toán: nên cần thống nhất trước về phương án bảo hành thông thường trong khoảng 2-5 năm đầu khi sử dụng, gia chủ cũng nên giữ 5% khoản tiền trên hợp đồng để nghiệm thu chất lượng nhà cửa.